Minimalism có nghĩa là tối giản, tối thiểu. Nó ra đời từ những năm 1970, có nguồn gốc từ sự cô đọng của chủ nghĩa hiện đại kết hợp pha trộn những sắc thái đương đại.
Ludwig Mies van der Rohe, một kiến trúc sư tới từ Đức, được xem là cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Những công trình của ông đã đặt nền móng cho Minimalism, với những không gian đơn giản, sạch sẽ, gọn gàng mà tinh tế. Kiến trúc “tối giản” thường tuân theo nguyên tắc “Less is more”, có nghĩa là ít nhưng lại là nhiều, đơn giản hết mức có thể nhưng lại hàm chứa nhiều thông điệp.
Khi phong cách này du nhập vào phương Đông, Nhật Bản được coi là quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng Minimalism vào kiến trúc nhà ở, công trình, đình đền… Trong đó, Tadao An do là một trong những vị kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật, ghi dấu ấn đậm sâu phong cách tối giản vào các tác phẩm nghệ thuật của không gian và ánh sáng.
Sự đơn giản trong từng chi tiết, hình thức tổng thể đem tới sự tập trung cho không gian, đưa không gian thành chủ đạo thay vì các đồ đạc, nội thất trang trí. Ngoài ra, ánh sáng được xem là yếu tố chủ đạo để tạo hiệu ứng thị giác trong thiết kế Minimalism. Ánh sáng làm nổi bật những hình khối, đồ nội thất, nhấn mạnh những nơi gia chủ muốn nhấn mạnh hoặc đổ bóng theo ý đồ…
Phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất
Phong cách nội thất Minimalism có sức ảnh hưởng đối với nhiều người, đặc biệt với những ai yêu thích sự tinh tế, giản đơn.
Nội thất Minimalism sử dụng những đường nét trang trí đơn giản, lược bỏ những chi tiết rườm rà để tập trung hoàn toàn vào không gian trống, tạo cảm giác rộng rãi nhất có thể. Các mảng tường, sàn và ánh sáng được xem là yếu tố quan trọng để toát lên Minimalism Style. Thậm chí một số đồ nội thất cũng được tối ưu để không phải dàn trải hay sử dụng quá nhiều. Tất cả sự tối giản đều được thực hiện một cách hài hòa, tinh tế.
Màu sắc được sử dụng hạn chế, không quá ba màu trong một gian phòng. Các mảng tường được sơn màu trung tính để làm nền cho những vật dụng trang trí, nhằm hướng mọi người tập trung. Màu tường phổ biến như trắng, kem giúp không gian trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn.